Chỉ có những người đã được huấn luyện mới được phép pha dịch truyền và phải tiến hành trong điều kiện vô khuẩn.
Việc pha dịch truyền phải được tiến hành trong khu vực vô khuẩn riêng (tốt nhất là nơi có hệ thống dẫn lưu khí kiểu phiến). Đồng thời, bề mặt làm việc nên được bảo vệ bằng giấy thấm dùng một lần, nhựa dùng một lần.
Các nhân viên thao tác với epirubicin phải có những phương tiện bảo vệ: kính bảo hộ, áo choàng, găng tay và khẩu trang.
Cần thận trọng để tránh thuốc vô tình tiếp xúc với mắt. Trong trường hợp tiếp xúc với mắt, rửa với một lượng lớn nước và/hoặc dung dịch natri clorid 0,9%. Sau đó đưa đến bác sĩ để đánh giá y khoa.
Trong trường hợp tiếp xúc với da, phải rửa thật kĩ vùng da bị tiếp xúc đó với xà phòng và nước hoặc dung dịch natri bicarbonat. Tuy nhiên, cần tránh cọ rửa chỗ da đó bằng bàn chải. Luôn luôn rửa tay sau khi tháo găng tay.
Nếu đánh đổ thuốc hoặc rò rỉ thuốc ra ngoài, phải xử lý bằng dung dịch natri hypoclorid pha loãng (chứa 1% clor tự do), tốt nhất là ngâm trong dung dịch này trước, sau đó rửa lại bằng nước. Tất cả các vật liệu lau chùi nên được xử lý như mô tả bên dưới.
Nhân viên mang thai không được làm việc với các thuốc gây độc tế bào.
Cần thận trọng khi xử lý các vật dụng (như ống tiêm, kim tiêm,…) được sử dụng để hoàn nguyên và/hoặc pha loãng thuốc. Bất kỳ phần thuốc không sử dụng hoặc vật dụng loại bỏ nên được xử lý theo quy định tại bệnh viện.
Trước khi dùng phải kiểm tra các dung dịch epirubicin để tiêm, cần xem có vẩn đục hay thay đổi màu sắc không. Không nên tiêm trực tiếp thuốc vào tĩnh mạch mà phải truyền vào tĩnh mạch với dung dịch thuốc đã pha loãng trong dung dịch NaCl 0,9% hoặc dextrose 5%, thời gian tiêm là từ 3 đến 5 phút. Nếu truyền tĩnh mạch thì thời gian truyền có thể tới 30 phút. Để tránh thuốc thoát mạch, dung dịch thuốc nên được đưa vào đường truyền tĩnh mạch đang chảy của dung dịch NaCl 0,9% để tiêm sau khi kim truyền đã được đặt đúng vào trong tĩnh mạch.
Tránh dùng các tĩnh mạch ở trên khớp hoặc tĩnh mạch ở xa. Tránh tiêm vào các tĩnh mạch nhỏ hoặc tiêm nhiều lần vào cùng một tĩnh mạch vì tĩnh mạch dễ bị xơ cứng. Phải hết sức tránh, không được để thuốc thoát khỏi mạch. Tốc độ truyền phụ thuộc vào thể tích dịch truyền và liều, thường là khoảng 3 – 20 phút.
Nếu thấy nổi ban đỏ dọc theo tĩnh mạch được truyền hoặc cơn bốc hỏa ở mặt thì có thể là do truyền quá nhanh và sau đó có thể bị viêm tĩnh mạch tại chỗ hoặc viêm tắc tĩnh mạch. Thuốc có thể thoát mạch mà không có triệu chứng đau rát, thậm chí ngay cả khi hút máu qua kim truyền vẫn thấy máu trở về bình thường. Nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu nào là thuốc thoát mạch thì phải ngừng ngay và tìm chỗ khác để truyền. Epirubicin dễ gây nôn; có thể cho thuốc chống nôn trước khi dùng.
Với nồng độ dùng trong điều trị, epirubicin không bị ánh sáng phân hủy đáng kể; do đó không cần thiết phải đặc biệt tránh ánh sáng trong khi dùng. Tuy nhiên, ở nồng độ thấp (dưới 500 microgam/ml) thì thuốc bị ánh sáng phân hủy nhiều.
Khi sử dụng, có thể pha loãng chế phẩm (trong dãy nồng độ 0,5mg/ml – 2mg/ml) bằng dung dịch NaCl 0,9% hoặc dung dịch dextrose 5% rồi sử dụng theo đường tĩnh mạch. Tuy nhiên, để đảm bảo không bị nhiễm vi sinh vật, thuốc cần phải được dùng ngay sau khi pha. Nếu chưa dùng ngay, phải bảo quản dung dịch sau pha ở nhiệt độ 2 – 8 0C trong thời gian không quá 12 giờ.